Thủ Đức, những ngày nắng nóng!

Và đó là một câu chuyện dài, câu chuyện suốt 4 năm của sinh viên Công nghệ Sinh học khóa 38 trường Nông Lâm, một câu chuyện có biết bao khát khao và hoài bão của tuổi trẻ, bao cảm xúc, bao kỷ niệm buồn vui, rung động tuổi đôi mươi và sự lớn lên của những tâm hồn.

Tháng 09/2012, những ngày đầu tiên chúng tôi bước vào cổng trường đại học, một chút chờ đợi và hi vọng. Những ngày đầu bỡ ngỡ, lạ trường, lạ lớp. Rồi làm quen, bắt chuyện, họp nhóm, cùng đá bóng, tham gia hội trại, văn nghệ, cùng đi ăn, cùng trò chuyện, tán gẫu. Những buổi học nhiều môn, mệt nhoài, vội vã lết bộ giữa các giảng đường, cơn buồn ngủ kéo đến chẳng thể chiến thắng nỗi mình, chạy xuống ngồi tận cuối lớp hay chui vào một góc nào đó, điểm danh xong là ngủ vật người ra, không màn sự đời. Hành lang giờ trưa toàn bọn sinh viên, nằm lê lết, đứa ngủ, đứa tụm năm tụm ba nói chuyện, rồi chỉ trỏ. Có những ngày sau giờ học, chúng tôi ngồi lỳ cả buổi chiều trên thư viện, đọc sách và thấy cuộc sống này sao quá đỗi bình yên. Thế là thời sinh viên năm nhất cũng qua.

Khi mới nhập học, lớp có hơn 130 sinh viên và cô Trần Thị Lệ Minh là cố vấn học tập. Rồi một số bạn đi du học, một số chuyển trường, đổi ngành. Điều đặc biệt của khóa 38 là không có chuyên ngành Công nghệ Sinh học môi trường vì có ít lắm đứa chịu học SM. Lớp chia thành 10 nhóm học tập, có nhóm trưởng để theo dõi, cập nhật thông tin, cùng học tập, hoạt động và để ban cán sự quản lý một cách hiệu quả. Năm thứ hai, lớp thay đổi nhân sự ban chấp hành đoàn, hội, ban cán sự theo yêu cầu, nguyện vọng và tiếp tục hoạt động. Trải qua một thời kỳ gian khó để có thể gắn kết bền chặt. Tuổi trẻ chút ngông ngênh. Và khi chúng tôi sống trong một tập thể lớn như vậy, những cuộc tranh luận vặt vãnh, cãi vã, là không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn, xung đột “nhìn thấy được” từ những bất đầu quan điểm và nhận định chủ quan của từng người. Có đứa cũng bật khóc bởi lẽ nghịch ý nhau. Ai bảo, chuyện buồn không phải là kỷ niệm. Chính vị chua, cay, mặn, ngọt ấy đã tạo nên những dư vị khó phai mờ, những dấu mốc vĩnh cửu. Nhờ sức trẻ tuổi thanh xuân, máu lửa, nhiệt huyết, sáng tạo, đam mê, trách nhiệm của tất cả mọi người, khó khăn thử thách đều vượt qua. Lớp là một tập thể đủ lớn, đủ mạnh, đủ đặc biệt, ”đủ nổi tiếng” lúc bấy giờ. Tự hào quá, DH12SH!

“Vũng Tàu - cột mốc”

Ba năm trôi qua, ngần ấy con người, cùng với quy chế học tín chỉ, đứa học thêm, học vượt, bạn bè xa cách, có khi chẳng gặp được nhau. Vậy là “Hành trình kết nối những trái tim - Hành trình K38” ra đời. Chúng tôi đã chọn Vũng Tàu là điểm đến. “Đứa nào mà chẳng mê biển”. Ai nấy trong lớp đều hào hứng đón chờ một kỳ nghỉ ngắn hạn chỉ vỏn vẹn hai ngày một đêm. Vất vả lắm đi tiền trạm, đùng một phát, lịch thực hành, lịch học bù dồn dập, mọi dự định dường như đổ vỡ. Gần hạn chót đăng ký, chẳng thấy một ai đăng ký ngoại trừ cái “Bờ tờ cờ” (Ban tổ chức). May mắn thay, mọi nỗ lực đã không uổng phí. Lần đấy, có 56 bạn tham gia, hành trình đã mang chúng tôi gần nhau hơn nữa.


Ngủ trên xe, đứa nằm co ro, đứa há hốc mồm, đứa vật vờ vì say xe, ôm khư khư cái túi nilon trước bụng. “Đừng ngủ khi lũ bạn còn thức”. Sơ hở là có ngay những bức ảnh để đời. Học trò nghịch ngợm, vậy mà vui. Từ xa đã cảm nhận cái lành lạnh của gió biển. Chuyến phiêu lưu bắt đầu bằng trò chơi lớn. Chúng tôi đã chinh phục Ngọn Hải Đăng bằng sức mạnh của ý chí, của tình bạn. Những bàn tay xiết chặt đoàn kết trong mỗi trò chơi dù lớn hay nhỏ. Về đến biển, ai nấy hào hứng, dường như quay về với cái thời con nít. Bữa ăn sáng từ Sài Gòn ra đến biển: bánh mì thịt. “Đưa bánh mì cầm cho”. Đứa nào dại dột đưa ngay là chỉ vài giây sau thôi, được bốn “cô cậu đẹp trai xinh gái” cầm tứ chi rồi quăng ùm xuống biển, uống no một bụng nước rồi quay lại với chiến dịch “trả thù”, rượt đuổi nhau, la hò chí chóe. Buổi đêm, nghe từng tiếng sóng biển xô vào bờ cát, gió biển cứ ào ào thổi bay tấm bạt lót ngồi. Mỗi nhóm có phần ăn đã được chia đều sẵn: lẩu và đồ nướng. Đứa ăn no, yên phận, ngồi phè ra; đứa mở chiến dịch đột kích nhóm khác ăn vội miếng tôm, mực còn sót lại. Đào một cái lỗ trên cát, đặt lên một cái vỉ nướng, vậy là đã có một cái bếp nướng chính hiệu du lịch bụi rồi nhé! Chuyến đi như sợi dây nối kết tình bạn giữa chúng tôi, tuy có vẻ thô sơ nhưng đó là những kỷ niệm thời sinh viên không thể nào quên được, là vì, chúng tôi đã có những bức ảnh cho riêng mình, cho riêng cái khoảnh khắc đáng nhớ cùng lũ bạn đại học.

Phan Thiết ngày đó…

Phan thiết đón chúng tôi bằng cái nắng oi nồng cháy lửa. Nắng hắt lên từ đường phố, từ bãi cát. Một cái nắng chói chang lẫn trong mùi biển mằn mặn. Chuyến xe mang tên “Hành trình K38” lăn bánh lần thứ hai trên đoạn đường đi tìm tình bạn. Chuẩn bị cho hành trình, một ban tổ chức được thành lập với những ý tưởng lầy lội “Hay là cho bọn nó ngủ lều, cắm cọc luôn trên bờ biển bây nhỉ?” “Điên à, gió biển thế đấy, sáng ra mất toi cái lều” “Ở lều thì chỗ đâu mà giải quyết “bầu tâm sự”?” “Con trai có gốc cây, con gái có bụi lùm, biển nước đầy đó lo gì”. Cứ vậy mà bọn nó ngồi cười phá lên. Thi thoảng, ban hậu cần cãi nhau vì sợ chuẩn bị không đủ chu đáo sẽ thiếu thốn, bởi trong lần đi này, chỗ chúng tôi ở cách xa thị xã, thành phố Phan Thiết lắm để đỡ tốn chi phí chi tiêu.


Xe khởi hành từ bốn giờ sáng, tận sáu giờ đồng hồ sau mới đến nơi. Xe dừng ở một khu resort vốn đã cũ và cũng rất ít khách. Chúng tôi ở trong những khu nhà mái lá kiểu “chòi” tách biệt nhau, cũng không xa mấy, nhìn ra là thấy biển. Biển ở đây không trong xanh như những khu resort cao cấp ngoài phố thị. Nghỉ ngơi xong, chúng tôi sà ngay lên Đồi Hồng. Đây là một vùng đồi cát rất rộng lớn và rất nóng bức. Mướn ngay vài tấm ván trượt, bọn tôi thi nhau trượt trên cát. Bọn nhỏ người, ốm ốm trượt vèo vèo cười hả hê. Chỉ tội bọn “hơi béo một tí” đến giữa dốc phải dùng tay, chân bới móc mới xuống được dưới chân dốc. Trở về và tắm biển. Buổi tối, đi dạo biển là thích nhất hoặc đứng bên hiên và ngắm biển từ xa. Gió thổi lồng lộng. Bữa ăn tối quen thuộc: Lẩu, thịt nướng, bắp nướng, khoai lang nướng. Quây quần ăn uống và hát karaoke bằng máy tính của ban kỹ thuật. Hôm sau, chúng tôi tham quan một số địa điểm nổi tiếng khác nữa.  Nắng vàng Phan Thiết đẹp lắm. Quan cảnh ở đây thật sự rất đẹp, tha hồ lượm vỏ ốc, chụp ảnh “sống ảo”. Xe máy ở đây có thể chạy trên những bờ dốc đá được xây đắp ven biển. Như là một câu chuyện khó tin nhưng người dân đã làm được như thế đấy. Ở Phan Thiết, có thể cảm nhận rất rõ hương vị cá tươi của biển từ những mẻ lưới cá ven bờ. Rồi chuyến xe lăn bánh quay về Nông Lâm. Chuyến đi tuy chỉ có hơn 40 thành viên nhưng vẫn ấm áp như ngày nào. Chúng tôi đã có kỷ niệm lần nữa với chúng bạn có quê hương ở khắp mọi miền đất nước.

Vất vả lên xuống vì cái luận văn mới là kỉ niệm khó quên. Đứa hả hê vì thực hiện suông sẻ, đứa vò đầu bức tai vì làm mãi chẳng xong. Rồi cũng đến ngày tốt nghiệp, đứa trước đứa sau. Đứa tốt nghiệp sớm vừa mừng vừa lo vì sắp phải bước vào đời với một chặng đường chông gai hơn. Đứa ở lại cũng mừng cho lũ bạn “Sau này làm sếp lớn nhớ chiếu cố bọn này nhé”, rồi cũng phải gấp rút ra trường cho kịp. Một bức ảnh tốt nghiệp chỉ cần 3 giây để chụp, nhưng nó lại lưu giữ kỷ niệm của suốt một khoảng thời gian dài ở nơi đây, ở mái trường Nông Lâm biết bao kỷ niệm.

Hành trình chúng tôi đã đi qua là hành trình của sự trưởng thành. Như một bản nhạc tuổi trẻ, lúc trầm, lúc bỗng, lúc da diết, lúc lại hân hoan, đọng lại trong tâm trí như một hành trang bước vào đời. Thời gian sẽ trôi qua, cuộc sống sẽ có vô vàn sự đổi thay. Bốn năm đại học thật sự rất nhanh, mong rằng những kỷ niệm rồi sẽ còn mãi, rồi chúng ta sẽ còn gặp lại nhau để viết tiếp những câu chuyện tình bạn. “Hành trình kết nối những trái tim - Hành trình K38” đã dừng đỗ ở bến hẹn của nó. Chúc tất cả các bạn đủ tự tin để vượt lên chính mình - đủ chín chắn để vươn tới thành công - đủ may mắn để nắm lấy hạnh phúc.

Cố lên, bạn nhé!